Tại sao chọn Du lịch Con Voi - Elephant Travel?
THÔNG TIN
Du lịch ở Cao Bằng bạn không thể không dừng lại tham quan Thác Bản Giốc. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái và ban tặng vẻ đẹp vừa bình yên, dịu dàng vừa hùng vĩ và tráng lệ. Được mệnh danh là một trong 7 thác nước đẹp nhất Thế giới với các tầng thác nước cao và trả rộng hàng trăm mét.
Thác Bản Giốc là thác nước hùng vĩ nổi tiếng thuộc xã Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng. Thác nằm cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 100km và cách thủ đô Hà Nội khoảng 400km. Đây là thác nước đẹp nhất Đông Nam Á và lớn thứ 4 toàn thế giới.
Nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn, nửa thác bên phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Sông Quây Sơn bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy vào Việt Nam đoạn cột mốc 784 tại khu vực Pò Peo, xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Sau khi đổ xuống chân thác thì sông lại chảy vào địa phận Trung Quốc.
Thác nằm giữa biên giới Việt – Trung nên có 2 tên gọi. Nhìn từ chân thác thì có 2 phần thác, thác bên trái gọi là thác phụ và thác bên phải gọi là thác chính. Thác phụ và một nửa thác chính nằm bên trái thuộc về chủ quyền của Việt Nam. Nửa còn lại bên phải và thác chính còn lại thuộc về Trung Quốc.
Một trong những điều tạo nên vẻ đẹp của Thác Bản Giốc là ở phần thác chính, thác nước không chảy thẳng 1 dải từ trên xuống mà có những mô đất mấp mô, chia tầng như cầu thang khiến nước sông Quây Sơn chảy qua đây chia tách thành nhiều dải, tạo thành một mảng trắng xóa giữa đất trời Cao Bằng, xen giữa màu xanh cây lá.
Thác Bản Giốc cao hơn 60m với chỗ dốc dài nhất 30m, chia thành nhiều tầng đá vôi nối tiếp nhau và trải rộng đến cả trăm mét. Giữa thác có mô đất rộng với nhiều cây xanh bao phủ, chia con sông thành ba nhánh khác nhau.
Nước từ trên cao đổ xuống dòng sông, thác Bản Giốc mang một vẻ đẹp tự nhiên, thuần khiết. Vào những hôm nắng đẹp trời, những tia sáng ấy chiếu vào dòng thác cộng hưởng với làn nước bụi mịt mờ tạo nên sắc màu, lung linh huyền ảo. Dưới chân thác là một dòng sông rộng, mặt nước phẳng lặng như gương. Nơi hai bên bờ là những thảm cỏ trong trẻo còn đọng hơi sương, từng vạt rừng rậm xanh ngắt. Thác Bản Giốc được chia thành 2 nhánh. Nhánh lớn với độ cao thấp, chảy qua từng bậc đá vôi thấp. Nhánh còn lại nhỏ hơn nhưng lại cao hơn, chảy hiền hòa giống như mái tóc của thiếu nữ.
Người ta kể rằng, ngày xưa kia có một cô gái người Tày nết na, thùy mị với vẻ đẹp trong trẻo, sắc nước hương trời. Đến tuổi cập kê, cô gái bị bắt để tiến cử cho nhà vua chúa không may cô bị lọt vào mắt xanh của hoàng tử. Cô gái đã dũng cảm bỏ trốn để được chung sống cùng với người yêu mình.
Hai người chạy tới Bản Giốc thì đã thấm mệt và quyết định nghỉ chân tại khe suối. Họ dành cả đêm để trút bầu tâm sự và chia sẻ những cay đắng khi buộc phải xa cách. Nhưng do thời tiết quá lạnh và cũng quá kiệt sức, họ ôm chặt nhau và lịm đi chìm vào giấc ngủ ngàn thu. Sau đó, trời mưa tầm tã suốt mấy tuần trời, và chẳng ai còn nhìn thấy bóng dáng cặp uyên ương kia nữa. Người dân thương tiếc cho cặp đôi, liền đặt tên ngọn thác là thác Bản Giốc. Giữa 3 tầng thác có 2 tầng thác ôm nhau quấn quýt, giống hình ảnh cô gái Tày xinh đẹp trong vòng tay người yêu, còn dòng thác còn lại, nước chảy hung tợn giống với hình ảnh vị hoàng tử năm nào.
Nằm ở địa đầu của Tổ quốc với địa hình đón gió nên khí hậu ở Thác Bản Giốc chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô.
Từ tháng 6 – 9 hàng năm, Thác bản Giốc lại ó những cơn mưa rào, khiến cho dòng nước chảy càng ồ ạt, xiết mạnh đổ xuống tung bọt trắng xóa. Đây là khoảng thời gian lý tưởng nhất để ngắm nhìn vẻ đẹp và cảm nhận sức mạnh hùng vĩ của thiên nhiên.
Mùa khô thác Bản Giốc Cao Bằng bắt đầu từ những ngày tháng 10 và kéo dài đến tận tháng 5 năm sau. Khung cảnh Bản Giốc vốn dĩ thanh bình nay còn yên bình và tĩnh lặng. Bức tranh thiên nhiên ngập tràn sắc xanh trong mát mẻ nay đã hòa cùng màu vàng ươm của lúa chín, tạo nên một khung cảnh chẳng thể lãng mạn hơn.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm được xây dựng cách chân thác Bản Giốc không xa, chỉ khoảng 500m. Đây là ngôi chùa mang lối kiến trúc đậm chất Việt Nam với hàng chục lầu, nhà lễ, nhà thờ, đền thờ,… Ở đây thờ vị anh hùng Nùng Chí Cao – một nhân vật lịch sử, biểu tượng văn hóa thế kỷ 11. Ngoài cầu bình an, ngắm cảnh chùa thì đây cũng là nơi nhìn được ra thác chính thác Bản Giốc.
Đây là hồ nước nằm ở trên núi thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng. Hồ có hình thoi rất độc đáo, nằm giữa lòng núi rừng Đông Bắc. Hồ Thang Hen được ví như “Tuyệt Tình Cốc” giữa núi đồi Cao Bằng. “Thang Hen” trong tiếng Tày nghĩa là “đuôi ong” bởi hồ nước này nhìn từ trên cao xuống giống đuôi con ong.
Nằm ở bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng của Cao Bằng. Bác Hồ – vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta đã từng làm việc, trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp tại cứ địa này. Đến đây bạn sẽ tham quan một số di tích như hang Cốc Bó nơi Bác sống và làm việc, nhà tưởng niệm Bác, hang Bo Bam, hang Lũng Lạn và hang Ngườm Vài, lán Khuổi Nặm, núi Các Mác, suối Nậm, suối Lê Nin….
Động Ngườm Ngao tọa tại bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh,đi từ Thác Bản Giốc đến động chỉ khoảng 3km. Cái tên động Ngườm Ngao được đặt theo tiếng dân tộc Tày, Ngườm có nghĩa là hang động, Ngao là hổ dịch nghĩa là Hang Hổ. Động này có chiều dài hơn 2000m với ba cửa là Ngườm Ngao, Bản Thuôn và Ngườm Lồm. Động Ngườm Ngao ngày nay đã trở thành một món quà vô giá mà thượng đế đã ban tặng cho người dân Cao Bằng. Động có chiều dài khoảng 2114m bao gồm: cửa Ngườm Lồm, cửa Ngườm Ngao, cửa Bản Thuôn. Đi sâu vào trong động bạn sẽ thấy được vẻ đẹp huyền bí của những lớp thạch nhũ với nhiều hình thù khác nhau óng ánh. Bên cạnh đó các dải nhũ đá mọc ra từ trên cao, từ dưới lên tạo nên sự kỳ thú, độc đáo.
Cá trầm hương là một loại cá khó có thể kiếm được ở miền xuôi. Bởi những con cá này thường ăn rễ cây trầm hương mọc ở ven sông Quây Sơn, nên thịt cá có vị trầm ngon khó cưỡng. Cá trầm hương nướng vô cùng thơm ngon và dễ ăn. Cá sau khi đánh bắt từ sông được làm sạch rồi thêm một vài loại gia vị, hương liệu rồi được gói gọn trong lớp lá chuối. Người ta nướng cá trên ngọn lửa hồng cho đến khi ngửi thấy mùi trầm thơm nức thì có nghĩa là cá đã chín. Ăn cá kèm với nước mắm nguyên chất để cảm nhận vị trầm trên từng thớ thịt, ngon xuất sắc.
Người Tày ở Cao Bằng có cách chế biến vịt quay lạ và rất riêng, chẳng giống với bất kỳ nơi nào. Đầu tiên, người ta hòa 7 loại gia vị truyền thống, rồi rót từ từ vào trong bụng vịt. Tiếp đến, những con vịt được thổi phồng, rưới đều bên ngoài da một lớp mật ong bóng bẩy rồi cho vịt lên than hoa nướng. Vịt chín đều có màu vàng giòn, đẹp mắt, bóng bẩy thơm mùi mật ong. Khám phá bên trong, bạn sẽ cảm nhận được hương vị đặc biệt kết hợp từ 7 loại gia vị khác nhau, cho món vịt quay thêm bội phần hấp dẫn.
Người dân Cao Bằng còn có một món đặc sản vô cùng đặc sắc – bánh khảo. Giống như một loại lương khô của người Nùng, Tày ở miền cao, bánh khảo được sử dụng trong dịp lễ tết. Cứ nhà nào còn bánh khảo là nhà đó còn tết. Bánh khảo có vị ngọt thanh, thơm ngon rất dễ gây nghiện.
Vào mùa khô, đặc biệt là khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 hàng năm, người dân tộc Tày lại vào rừng lấy trứng kiến đen về làm bánh. Món bánh trứng kiến lấy nguyên liệu từ bột nếp, lá non của cây vả và trứng kiến đen – một loại trứng béo, mẩy và giàu hàm lượng đạm. Bánh trứng kiến có hương vị rất lạ, lớp bên ngoài là bột nếp mềm dẻo, bên trong thơm thơm mùi lá vả và đặc biệt là hương vị béo ngậy của trứng kiến.
Nếu di chuyển từ Hà Nội, du khách có thể bắt xe khách chất lượng cao đến Thành phố Cao Bằng tại bến xe Mỹ Đình. Xe thường xuất bến vào khoảng 8 giờ tối.
Có 3 hướng mà bạn có thể tham khảo như sau:
Từ Quốc lộ 1: Hà Nội – Thất Khê – Trùng Khánh – Bản Giốc
Từ Quốc lộ 3 và Quốc lộ 1B: Hà Nội – Thái Nguyên – Thất Khê – Trùng Khánh – Bản Giốc (quãng đường khoảng 330 km)
Từ Quốc lộ 3: Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng – Trùng Khánh – Bản Giốc (quãng đường khoảng 360 km)
Du Lịch Con Voi đã cùng bạn chuẩn bị hành trang đầy đủ nhất để có một chuyến đi khám phá thác Bản Giốc và trải nghiệm trọn vẹn nét đẹp vùng cao trong chuyến tour Cao Bằng này rồi. Lên lịch book ngay chuyến du lịch Cao Bằng ở Du Lịch Con Voi Du lịch Lễ 30/4 – 1/5 Thác Bản Giốc – Hồ Ba Bể 4 Ngày 2 Đêm