Tại sao chọn Du lịch Con Voi - Elephant Travel?
THÔNG TIN
Chùa Một Cột là một trong những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất tại Châu Á, là biểu tượng văn hoá và điểm đến tâm linh ở Thủ đô Hà Nội. Với nét đặc biệt trong cấu trúc cùng với những giá trị nhân văn, lịch sử, ngôi chùa trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ khi tới du lịch Hà Nội.
Chùa Một Cột gọi theo ngữ Hán – Việt là Nhất Trụ Tháp hay Chùa Mật. Chùa còn có các tên gọi khác là Diên Hựu Tự hoặc Liên Hoa Đài. Ngôi chùa nằm trên con phố cùng tên thuộc Quận Ba Đình, Hà Nội. Ngôi chùa được khởi công xây dựng vào năm Kỷ Sửu 1049, dưới thời vua Lý Thái Tông. Dưới thời nhà Lý, chùa tọa lạc trên phần đất của thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía tây Hoàng thành Thăng Long. Ngày nay, chùa thuộc quận Ba Đình, nằm ở công viên phía sau phố Ông Ích Khiêm, cạnh quần thể Quảng trường Ba Đình và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Diên Hựu Tự là ngôi chùa đại diện cho đoá sen mà Phật Bà Quan Âm ban tặng cho vua Lý Thái Tông trong một lần nằm mộng vào năm 1049. Tương truyền, vua Lý Thái Tông mơ thấy Quán Thế Âm Bồ Tát tọa trên một đài sen, sau đó Phật Bà còn mời nhà vua ngự cùng. Khi biết câu chuyện chiêm bao của vua Lý Thái Tông, nhà sư Thiền Tuệ đã khuyên vua nên dựng một ngôi chùa với cột đá, tòa sen đặt trên cột như đã thấy trong mơ, và đặt tên là Diên Hựu, có nghĩa là “phúc lành dài lâu”.
Tháng 10 Âm lịch năm 1049 (tức năm Kỷ Sửu), bắt đầu chùa được khởi công xây dựng. Đến đời vua Lý Nhân Tông thì được cải tạo, xây hồ Linh Chiểu và trang trí thêm một toà sen mạ vàng ở đỉnh cột. Ẩn trong toà sen là một ngôi đền sơn tím, điêu khắc hình chim thần trên mái nhà, phía trong có tượng Quan Thế Âm mạ vàng.
Vào năm 1105, Chùa Một Cột được mở rộng và cải tạo đẹp hơn, với sự xuất hiện của hồ Liên Hoa Đài, hay còn gọi là hồ Linh Chiểu, hồ Bích Trì, và bảo tháp. Do lòng sùng kính Đức Phật, hàng năm vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, vua Lỹ Nhân Tông tổ chức lễ tắm Phật và phóng sinh trước sự chứng kiên sucar rất nhiều sư tăng và nhân dân khắp kinh thành Thăng Long. Ba năm sau, Nguyên phi Ỷ Lan cho đúc một quả chuông lớn, gọi là “Giác thế chung” với ý nghĩa “thức tỉnh lòng thế nhân”.
Đến thời Trần – Lê – Nguyễn, chùa Diên Hựu và Liên Hoa Đài bị xuống cấp trầm trọng, nên được xây lại và tu sửa rất nhiều lần qua các đời vua. Về sau, tổng thể Chùa Diên Hựu chỉ còn kiến trúc Liên Hoa Đài trên cột đá, được người đời sau thường xuyên tu sửa để lưu giữ hồn thiêng của đất Thăng Long, và gọi là Chùa Một Cột.
Qua thời gian, Chùa Một Cột đã trải qua không ít lần trùng tu, phục dựng vào các triều Trần, Hậu Lê và triều Nguyễn. Năm 1105 vua Lý Nhân Tông cho tu sửa chùa và dựng thêm trước sân hai tháp lợp sứ trắng. Đến năm 1108 Nguyên Phi Ỷ Lan sai người đúc một chiếc chuông lớn đặt tên là “Giác thế chung” với ý nghĩa thức tỉnh lòng thế nhân. Đến năm 1955, chùa Một Cột Hà Nội được tôn tạo lại và bảo tồn cho đến nay.Năm 1954, quân Pháp đã đặt thuốc nổ phá chùa trước khi rút quân khỏi Hà Nội. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đại trùng tu dựa trên bản vẽ lưu lại từ thời Nguyễn, và đến tháng 4/1955 thì hoàn thành. Từ đó đến đây, Chùa Một Cột liên tục được tôn tạo và bảo tồn như một di sản văn hóa – lịch sử – kiến trúc của dân tộc Việt Nam.
Năm 1962, quần thể chùa Một Cột ở Hà Nội đã được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Đến năm 2012, chùa Một Cột đã vinh dự được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á”.
Kiến trúc chùa được lấy ý tưởng từ hình ảnh của một đoá hoa sen nở trên mặt nước. Hoa sen là Quốc hoa của Việt Nam – loài hoa đại diện cho sự cao cả, sẻ chia và yêu thương, biểu tượng cao quý của nhân phẩm. Chùa Một Cột hiện nay gồm: cột trụ, đài Liên Hoa, mái chùa.
Ngôi chùa rộng tầm 3 m2, tất cả đều được làm từ gỗ và lợp mái. Phần mái ngói cổ là sự kết hợp của “Lưỡng xảo” – hình đao cong, phía trên là hình rồng. Cột trụ của chùa Một Cột được dựng bằng 2 cột đá chồng lên nhau tạo thành khối trụ đứng có chiều cao 4m chưa tính phần chìm phía dưới chân với đường kính cột đá rộng 1,2 m làm người nhìn có cảm giác “vững như bàn thạch”. Điều đặc biệt là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá. Phần trên thân trụ mang 8 cánh gỗ trông tựa như bông sen nở. Nóc chùa có mặt nguyệt bốc lửa, đầu rồng chầu về mặt nguyệt.
Đài Liên Hoa được thiết kế bằng gỗ có hình vuông mỗi cạnh 3m, chắn song bao lớn xung quanh, được đỡ bằng hệ thống cột quân vững chắc, phía dưới là những dầm gỗ lớn được gắn trực tiếp lên trụ đá một cách chắc chắn.
Chùa Một Cột có bốn mái cong đầu đao vút lên trời hay còn gọi là “tàu đao”. Mái chùa được đỡ bằng hệ thống thanh bẩy vươn ra sát phía dưới. Trên đỉnh mái chùa đắp hình “lưỡng long chầu mặt nguyệt”, đây là nét kiến trúc đặc trưng trong các chùa, chiền, đình, miếu. Hình lưỡng long uốn mình quay đuôi về phía nhau nhưng đầu đều hồi hướng về mặt nguyệt. Nét kiến trúc này biểu tượng cho sự sinh sôi, âm dương hài hòa.
Cổng gồm hai tầng với ba lối đi, cửa giữa to hơn là lối đi chính, giống như kiểu kiến trúc của các đình, chùa truyền thống của Việt Nam. Ý nghĩa của Cổng Tam quan chính là 3 cách nhìn của Phật Giáo: hữu quan, không quan và trung quan.
Muốn vào chùa, du khách phải bước qua 13 bậc thang với chiều rộng tầm 1m. Những bậc thang này được xây dựng từ thời nhà Lý, đến nay vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn. Đặc biệt, 2 hàng tường gạch ở 2 bên còn có bia đá giới thiệu lịch sử ngôi chùa.
Được đặt được tại vị trí chính giữa của Liên Hoa Đài ở nơi cao nhất của Liên Hoa Đài. Chân tượng là một bông sen bằng gỗ được chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng. Xung quanh là các bình hoa, lư đồng… tuy không quá cầu kỳ nhưng toát lên phong thái và vẻ đẹp rất riêng.
Trong khuôn viên ngôi chùa có cây bồ đề cao to – là món quà được đích thân Tổng thống Ân Độ tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần ghé thăm (vào tháng 2/1958). Bên dưới gốc cây có một tấm bia đá, nội dung là “Cây bồ đề này nguyên gốc ở cây bồ đề Đức Phật Thích Ca tu thành đạo tại Ấn Độ. Tháng 2/ 1858, Tổng thống Rajendra Prasad đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp Người sang thăm Ấn Độ”.
Chùa nằm trong khu vực quận Ba Đình, để đến chùa Một Cột, bạn có thể di chuyển bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, xe máy hoặc xe bus. Một số tuyến bus có thể tới được chùa Một Cột như tuyến 22, 16, 32, 09, 34…
Hoặc bạn cũng có thể đến Chùa Một Cột bằng cách đi theo hướng bắc để vào Bưu điện thành phố, chọn lối thứ nhất ở vòng xuyến đến đường Đinh Tiên Hoàng. Từ Đinh Tiên Hoàng, bạn hãy rẽ trái tại DC Gallery để vào Hàng Gai, qua Hàng Bông đến Xôi Cấm và rẽ về Điện Biên Phủ. Di chuyển theo đường Điện Biên Phủ đến con đường cắt ngang Ông Ích Khiêm và Hùng Vương đến Chùa Một Cột.
Ngoài ra, còn một vài tuyến đường khác cho du khách lựa chọn gồm:
Chùa Một Cột, một ngôi chùa cổ kính, một điểm đến tâm linh nổi tiếng ở Thủ đô Hà Nội với vẻ đẹp kiến trúc và văn hóa Phật Giáo Việt Nam. Nếu có dịp đến với Thủ đô đừng bỏ qua di tích là tuyệt tác của nghệ thuật này nhé.